Bạn có thể nói sai chín tã nhưng không nên viết sai chính tả

Ngày nay, việc teen code, digital code để cover các câu từ là điều dễ bắt gặp ở Việt Nam. 99% các bạn trẻ dễ nhiễm với hiện tượng này, đối với người lớn thì hên xui tuỳ thuộc vào độ già của trưởng thành.
Có rất nhiều biến thể như code (mã), kiểu như H1N1, H5N1 hay Corona tùy châu lục mà có biến thể chút chút. Sắp tới là biến thể gì thì… chờ tiếp. Điều đặc biệt là loại hình này lan truyền và phát tán rất nhanh, thời gian ủ mầm ngắn và hầu như không có triệu chứng cụ thể. Nguy hiểm nhất là người nhiễm không biết mình đã, đang được lây nhiễm.
Tôi cũng không ngoại lệ, vì nó không chừa bất kỳ ai. Đến một hôm, mình ngồi rà soát lại bộ tự điển thấy bất ngờ những từ ngữ này lúc trước mình đâu có dùng. Nó chui vào đầu mình từ lúc nào?
• Hôm nay, tao phải làm sml.
• VL /vãi lồ* cái đứa éo /đéo ra gì.
• Em bị … làm xao đây anh ơi?
Phức tạp nhất là loại code được sinh ra từ tổng hợp của Ai. “Ai” ở trường hợp này là “ai”. Nghĩa là “ai” cũng có thể “nhiễm”, sau đó sáng tạo ra bộ code “đột biến” theo kiểu của mình.
Dân gian hay dùng từ “cc”. Bạn có biết “cc” là gì không?
1. CC là cục cưng.
2. CC là cây cối.
3. CC là con cặ*.
4. Hay CC là “cục cứt”.
Tất cả đều có thể, tùy ngữ cảnh và đối tượng nghe mà người nghe sẽ có cách hiểu theo kiểu của họ. Tin tôi đi, hầu hết giới trẻ đều hiểu theo một nghĩa “đen tối” khiến bạn ngạc nhiên.
Ai là người được lợi?
Giống như vi-rút cúm H5N1, chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu và chỉ ra một cá nhân hay tổ chức sẽ được lợi từ con này. Việc lan truyền mấy con vi-rút làm tăng vốn từ trong tự điển của tôi. Và hiện giờ, chưa có ai dám đứng ra nhận khoản thù lao này.
Đa phần mọi người nói vui để tỏ ra hài hước. Hài hước là vô hại, thậm chí có lợi nhưng nếu không kiểm soát được thì tai họa cũng giống nơi khởi nguồn đã mang nó tới – “mất kiểm soát”.
Rõ ràng nhất là khi comment hay phát biểu qua một status trên nhà mình. Tuy nhà mình là của mình, nhưng phát biểu những từ được “mã hóa” theo kiểu của mình dễ khiến người nghe hiểu sai lệch ý.
Khi hiểu sai, rất nguy hiểm. Người ta có thể không mua hàng của bạn, có thể unfriend hay nhẹ hơn là đánh giá bạn “trẻ trâu” – tuổi và não phát triển không đồng bộ.
Vắc-xin
Mình thán phục một số bạn, chưa bao giờ thấy họ chửi thề hay dùng những từ “lạ”. Không hiểu họ tập luyện như thế nào!? Nếu may mắn, tôi và bạn sẽ miễn nhiễm với những loại “code lạ” giống nhóm người này.
Nếu không thuôc nhóm trên, khả năng bạn sẽ nhiễm “code lạ” rất cao. Thông thường, những ảnh hưởng đó sẽ đến từ 5 người bạn thường xuyên tiếp xúc trong cuộc sống hàng ngày. Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng: bạn là trung bình cộng của nhóm 5 người này. Mình thấy rất đúng. Nếu cùng quan điểm này, hãy thử cách ly với nhóm 5 người bạn tiếp xúc gần: hay chửi thề, dùng code lạ… biết đâu bạn sẽ cải thiện được kỹ năng ăn nói có duyên hơn.
Đó là ở xã hội thật, cuộc sống thật. Nếu trên các nền tảng mạng xã hội thì sao? Chẳng lẽ chúng ta chỉ kết bạn với 5 người bạn mình thích? Điều đó thật khó phải không?
Nguy hiểm hơn là ở văn nói, khi chúng ta dùng một số câu kiểu như: anh/ chị hiểu không? Những cảm thán từ mạnh: đéo, đụ, chịch… để gây kịch tính khi nói chuyện mà “quên” để ý cảm xúc của người nghe, họ cảm thấy thế nào. Nhiều người quên luôn là họ vừa nói cách đây vài giây. Đó là thói quen nói theo cảm tính. Tôi biết, thật sự trong ý thức họ không hề có ý xấu, điều đó xuất phát từ tiềm thức mà họ không kiểm soát được.
Để khắc phục, bạn có thể ghi âm lại cuộc trò chuyện hoặc tìm những người mentor để họ giúp bạn nhặt sạn khi nói.
Trên đây, là những trải nghiệm cá nhân từ thực tế của mình. Tùy mỗi người mà chúng ta có cuộc sống trải nghiệm khác nhau. Có thể bạn sẽ thấy: “nói sao là quyền của tao”, không bận tâm đến chủ đề này. Hay bài viết này không phù hợp với bạn. Suy nghĩ của bạn tích cực hơn về code lạ – thì đừng bận tâm “tui” nói gì.
#TranThanhTien