Trần Thành Tiến và bài phỏng vấn

= THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN =

BA BƯỚC VÀO THƯƠNG TRƯỜNG

Chưa đầy ba mươi tuổi, Trần Thành Tiến đã làm chủ ba cơ ngơi rất khác nhau về tính chất: cửa hàng kinh doanh băng đĩa, trường mầm non tư thục và công ty chuyên về các giải pháp phần mềm. Tiến tâm sự: “Kinh doanh dường như đã ăn vào máu thịt bởi đó chính là truyền thống của gia đình tôi gần 40 năm nay” …

Vừa học vừa kinh doanh

Năm 2000, đang là sinh viên khoa Công nghệ thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội, Tiến đã bắt đầu “tập sự” kinh doanh với cửa hàng băng đĩa TiTiEn (130 Cống Quỳnh, Quận 1). Tiến cho biết, vốn đầu tư cho cửa hàng lên đến 200 triệu đồng.

Với suy nghĩ, đây là cơ hội tập tành kinh doanh, Tiến đầu tư khá nhiều công sức cho cửa hàng này. “Tôi nghĩ, kinh doanh phải là chuyên nghiệp ngay cả những công việc nhỏ nhất” , Tiến nói. Đội ngũ nhân viên bán hàng, giới thiệu băng đĩa được Tiến tuyển chọn rất kỹ và hỗ trợ kinh phí cho theo học các lớp nghiệp vụ ngắn hạn. Hai tuần một lần, Tiến lại họp toàn bộ nhân viên để rút kinh nghiệm, trao đổi về “nghệ thuật bán hàng”…nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng. Nhờ vậy, tuy mặt bằng không lớn nhưng cung cách phục vụ chu đáo cộng với nguồn đĩa (phim, ca nhạc) phong phú nên TiTiEn thu hút khá đông khách, bình quân 250-300 lượt khách/ngày.

Khách đông, nhân viên nhiều (15-20 người) lại làm việc theo ca (2 ca/ngày), quản lý nhân viên và tài chính theo phương pháp thủ công hiệu quả không cao, lại mất nhiều thời gian đáng ra phải dành cho việc học tập, Tiến suy nghĩ: “Sao mình không thử viết một phần mềm để quản lý mọi hoạt động của cửa hàng nhỉ?”. Với trình độ của một sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin và kinh nghiệm kinh doanh thực tế, không khó khăn lắm để Tiến hoàn tất công việc này. Đưa ra áp dụng, Tiến thấy hiệu quả ngay. “Trước đây, tôi phải thường xuyên có mặt tại cửa hàng để theo dõi, kiểm tra mọi chuyện. Nay thì khỏe rồi, tiết kiệm được hơn 80% thời gian nhờ phần mềm này”, Tiến cho biết. Ngoài quản lý giờ giấc, chấm công, thu chi, số lượng băng đĩa xuất, nhập, tồn…chương trình phần mềm còn giúp Tiến phân tích được tình hình tiêu thụ của từng loại băng đĩa, từ đó có thể định hướng đầu tư vào những loại khách hàng đang ưa chuộng.

Mặc dù khá đắt khách và thu hồi được vốn ban đầu nhưng Tiến không có ý định đầu tư thêm cho cửa hàng TiTiEn. “Chỉ duy trì với quy mô hiện nay để tạo việc làm cho nhân viên, phần lớn là sinh viên, có thêm thu nhập”, Tiến cho biết.

Yêu trẻ

Sinh ra và lớn lên xa trung tâm thành phố, Tiến hiểu được những khó khăn trong việc được vui chơi và học hành của trẻ em, nhất là các cháu lứa tuổi mầm non. Khu Hương lộ 14 cũng đã có khá nhiều trường mầm non tư thục nhưng qua khảo sát, Tiến thấy chưa trường nào được đầu tư chu đáo, tạo sự yên tâm cho phụ huynh khi gửi con em theo học. Có sẵn mặt bằng lớn, lại được sự tư vấn chuyên môn của người thân là hiệu trưởng một trường mầm non và sự hỗ trợ của người chị là giáo viên mầm non, Tiến quyết định dốc vốn liếng vào “cuộc chơi” mới.

Tiến đầu tư 700 triệu đồng xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp và trang thiết bị học tập, giảng dạy cho trường Mầm non tư thục BaBy. “Tôi còn nhớ, trường xây xong đúng ngày 22-8-2003. Lúc này, hầu hết phụ huynh đã đăng ký cho con em mình theo học các trường khác mất rồi. Chẳng lẽ phải chờ đến năm sau mới hoạt động? Tôi gửi ngay 1.500 thư mời, mời những gia đình có con em ở lứa tuổi mầm non trong khu vực đến dự lễ khánh thành, kết hợp tham quan trường”, Tiến kể. Kết quả, nhiều phụ huynh thích thú khi tham quan và tham khảo chương trình học tập, chế độ dinh dưỡng…của BaBy. Đến ngày khai giảng, trường cũng nhận được 50 em, đủ để đi vào hoạt động.

Sáu tháng đầu, BaBy chỉ hòa vốn, thậm chí có tháng lỗ nhưng Tiến vẫn kiên trì với định hướng đầu tư ban đầu: trường lớp khang trang, chế độ dinh dưỡng khoa học, học phí có thể tương đối cao (500.000 đồng/tháng) nhưng phải tạo sự an tâm cho phụ huynh. Khó khăn ban đầu rồi cũng qua. Hiện BaBy thu nhận khoảng 100 em, từ lứa tuổi nhà trẻ đến mẫu giáo, do 10 giáo viên trực tiếp đứng lớp.

Phòng học được trang bị máy lạnh, truyền hình cáp, hệ thống âm thanh chuẩn, máy nước nóng…Trường còn được sự hỗ trợ của Phòng Y tế quận Tân Phú lên chương trình khám bệnh định kỳ (2 lần/năm học) cho học sinh. Ngoài ra, BaBy còn phối hợp với các công ty sữa, dược phẩm tổ chức các buổi hội thảo dành cho phụ huynh xung quanh các đề tài giáo dục, dinh dưỡng… để cùng nhà trường kết hợp nuôi dạy tốt cho con em.

Tiến cũng viết một phần mềm riêng để quản lý mọi hoạt động của trường , từ chấm công , tính lương, thu chi…đến trọng lượng, chiều cao của học sinh để phân tích tình hình phát triển của các cháu, cùng với phụ huynh có chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc phù hợp.”BaBy vẫn chưa khai thác hết công suất nhưng trường đã gây được những ấn tượng nhất định. Với đà phát triển thuận lợi như hiện nay, tôi tin năm tới BaBy sẽ thu nhận được 200 em. Lúc đó, mới có thể tính đến chuyện lợi nhuận được”, Tiến tự tin nói.

Cúp vàng với Manager

Tháng 4-2004, Tiến thành lập Công ty TNHH Manager (Người Quản Lý), chuyên tư vấn và cung cấp các giải pháp phần mềm, vốn đầu tư 700 triệu đồng. Với Manager, Tiến đã qua thời gian “tập sự”, chính thức đặt chân vào thương trường với chính cái nghề mà mình đam mê và được đào tạo.

Vừa thành lập, Tiến quyết tâm tạo dấu ấn ngay với Manager. Biết đươc thông tin hội chợ triển lãm “Các giải pháp quản lý chuyên nghiệp”- Softmart lần thứ 4 do Hội Tin học TPHCM tổ chức sẽ diễn ra vào tháng 9-2004, Tiến cùng với các kỹ sư và lập trình viên làm việc cật lực và đã hoàn thành phần mềm Manager TimePlus – phần mềm về quản lý nhân sự, chấm công và tính lương tự động – để kịp tham gia hội chợ. Tại hội chợ, Manager TimePlus được hàng trăm khách hàng chú ý và được Ban tổ chức trao tặng Cúp vàng “Giải pháp phầm mềm được nhiều người quan tâm nhất”.”Đây là thuận lợi đầu tiên cho công ty nhưng tôi chưa cho đó là thành công. Quan trọng là tính hiệu quả của Manager TimePlus”, Tiến nói.

Phần mềm này phù hợp với những doanh nghiệp, đơn vị quy mô vừa, khoảng trên dưới 200 nhân sự. Tiến cho biết, sau hội chợ, đã có 10 khách hàng ký hợp đồng mua hẳn bản quyền để sử dụng, trong đó có chuỗi nhà hàng karaoke Nnice và một số khách hàng ở Cần Thơ, Trà Vinh, Hà Nội với giá 4.000-5.000 đô la Mỹ/hợp đồng. Nhu cầu sử dụng máy chấm công đối với các doanh nghiệp hiện khá cao. Giá máy chỉ khoảng 1.500-2.000 đô-la Mỹ/phầm mềm. “ Cái giá này không phải doanh nghiệp nào cũng kham nổi, vì thế tôi hy vọng Manager TimePlus sẽ là lựa chọn phù hợp nhất đối với khách hàng”, Tiến tự tin.

Hiện Tiến đang cùng với các đồng sự nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu của thị trường để sản xuất phần mềm chuyên về quản lý bán lẻ. Dự kiến, đầu năm sau sẽ hoàn tất và là đối tượng khách hàng mà Tiến nhắm đến là các hệ thống siêu thị và cửa hàng bách hóa lớn. Ngoài ra, Công ty Manager cũng đã được một số Việt kiều ở California, Mỹ, đang kinh doanh các mặt hàng sách, băng đĩa, siêu thị nhỏ…đặt viết một số phần mềm riêng cho họ. “Mua phầm mềm ở Mỹ không phù hợp với quy mô kinh doanh của họ mà giá lại rất cao vì thế họ đặt hàng trong nước, giá cả chấp nhận được. Từ sự việc này, tôi cũng có ý định sản xuất và xuất khẩu các phần mềm nhắm vào đối tượng Việt kiều, đang kinh doanh nhà hàng, siêu thị nhỏ ở các nước”, Tiến cho biết.

Tiếp nối truyền thống gia đình

Gia đình Tiến đã có gần 40 năm trong nghề in hoa văn lên vải trơn (một màu), cung cấp cho các đại lý ở chợ vải Soái Kình Lâm. Thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, cuối năm nay cơ sở chuyển vào khu công nghiệp Tân Tạo và nâng cấp thành công ty. Tiến được “điều động” kiêm nhiệm chức giám đốc điều hành. Hiện gia đình Tiến đang làm thủ tục thành lập công ty, chuẩn bị khởi công xây dựng nhà máy vào cuối năm nay. Tiến cho biết, nhà máy sẽ được xây dựng trên diện tích 5.500 mét vuông, vốn đầu tư cho trang thiết bị khoảng 5 tỉ đồng, công suất in 50.000-60.000 mét/ngày.

Bài viết được trích từ: Thời báo kinh tế Sài Gòn
Số báo: Sổ 43-2004 (723)
Chuyên mục: Khởi nghiệp
Thực hiện bởi phóng viên: Minh Đan
Phát hành: 21/10/2004.

Back to top button